SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ NGÀY 10/11/2020: CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ U LYMPHO TẾ BÀO VỎ NANG
U lumpho tế bào vỏ nang (MCL) là một loại Lympho không Hodgkin (NHL), đặc trưng bởi tổn thương hạch lympho, lách, máu và tủy xương, bệnh có thời gian thuyên giảm ngắn với điều trị chuẩn và trung vị sống còn toàn bộ khoảng 4-5 năm.
MCL là một u lympho tế bào B không thể chữa khỏi. Ngay cả với sự phát triển của Retuximab (kháng thể kháng CD20) thì kết quả lâu dài của bệnh nhân vẫn không cải thiện. Tuy nhiên gần đây, các tác nhân mới đã được sử dụng trong thực nghiệm lâm sàng với kết quả trên mong đợi. Điều trị MCL đã bước sang một bước ngoặc, từ hóa trị tăng cường đến điều trị bằng thuốc không phải hóa trị.
Nằm trong kế hoạch tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao kiến thức và trao đổi kinh nghiệm chuyên cho các bác sĩ, học viên của bệnh viện; Bệnh viện Ung Bướu phối hợp với VPĐD Janssen-Cilag Limited tại TPHCM đã tổ chức thành công buổi sinh hoạt chuyên đề “Chẩn đoán và điều trị u lympho tế bào vỏ nang” tổ chức vào ngày 10/11/2020.
Chủ tọa của chương trình là TS.BS.Phạm Xuân Dũng - Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM.
Báo cáo viên nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực Lymphôm là BSCKII. Lưu Hùng Vũ - Trưởng Khoa Nội huyết học, hạch - Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM chia sẻ đề tài “Tổng quan chẩn đoán và điều trị u lympho tế bào vỏ nang” và BS.CKII. Phan Minh Châu - BS điều trị Khoa Nội huyết học, hạch - Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM trình bày đề tài “Trường hợp lâm sàng điều trị u lympho tế bào vỏ nang”; cùng với sự tham dự và tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến của các bác sĩ tại bệnh viện Ung Bướu TP. HCM.
Chương trình sinh hoạt đã đúc kết ra được những thông điệp chính như sau:
- MCL đặc trưng bởi các tế bào giống lympho nhỏ không điển hình, tạo thành các “vỏ nang” hay “áo choàng rộng” bao xung quanh các trung tâm mầm lành tính và được gọi là Lymphôm tế bào vỏ/áo nang. Hình dạng điển hình là các tế bào lympho có khía, kích thước nhỏ đến trung bình, biểu hiện bởi protein cyclin D1 do chuyển đoạn NST t(11;14)(q12;q32). MCL được nhận diện đầu tiên trong PL Kiel là lympho tâm bào (centrocytic lymphoma); sau đó là lympho loại lympho bào theo Berard; gần đây là PL REAL và WHO là một phân nhóm riêng biệt của NHL, được xếp vào Lymphôm thể nặng (aggressive lymphoma). Là một phân nhóm của NHL, MCL chiếm tỷ lệ 6%. Trong năm 2015, bệnh viện Ung Bướu ghi nhận có 10 trường hợp, chiếm tỷ lệ 1.8% trong 542 case NHL mới được chẩn đoán và điều trị.
- Tỷ lệ mắc bệnh của nam:nữ là 4:1, với tuổi mắc bệnh trung bình là 64 tuổi. Triệu chứng lâm sàng có thể từ thầm lặng đến thể rất nặng, và thường được phát hiện khi bệnh ở giai đoạn tiến xa, hạch lan tỏa và hạch lớn, với triệu chứng B chiếm 30%, Leukemic chiếm 30%. Tổn thương đường tiêu hóa chiếm 80% và thường ở dạng Polyp đường tiêu hóa. LDH tăng 25% và b2M tăng 60%. Nhuộm HMMD xác định chẩn đoán với biểu hiện của các dấu ấn CD20, CD3, CD5, cyclin D1, CD10, CD21, CD23, BCL2, BCL6, tp53, Ki-67. Các xét nghiệm phân giai đoạn bao gồm Huyết đồ; Sinh hóa máu; LDH máu; Tủy đồ/sinh thiết tủy và/hoặc Flow cytometry tủy và máu; CT-scan ngực-bụng chậu hoặc PET/CT (SUV của tổn thương thường thấp hay trung bình); nội soi đường tiêu hóa nếu BN có triệu chứng hoặc dự kiến sử dụng phác đồ tăng cường liều; khảo sát dịch não tủy khi BN có triệu chứng thần kinh hoặc biến thể blastoid hoặc chỉ số Ki-67 cao.
- Điều trị dựa trên những khuyến cáo từ ESMO, NCCN cho đến thời điểm hiện tại:
- Điều trị bước 1 ở bệnh nhận trẻ: Tấn công với R-AraC hoặc phác đồ có bendamustine + HDT-ASCT + R duy trì (mỗi 2 tháng x 3 năm).
- Điều trị bước 1 ở BN già: R-CHOP + R duy trì (mỗi 2 tháng cho đến khi PD) hoặc BR không có R duy trì.
- Điều trị tái phát: ức chế BTK (Ibrutinib).
- Với tình hình dịch Covid được kiểm soát tốt ở nước ta nên điều trị u lympho nói chung và MCL nói riêng vẫn không thay đổi. Tuy nhiên nên xem xét sử dụng G-CSF để hạn chế tình trạng giảm bạch cầu hạt ở bệnh nhân.
- Với trường hợp lâm sàng Lymphôm tế bào vỏ nang, việc lựa chọn điều trị bước 1 dựa trên tổng trạng của bệnh nhân, các yếu tố tiên lượng và bệnh lý đi kèm. Việc hóa trị quy ước thường không chữa khỏi bệnh nhưng có thể lui bệnh khoảng 60-80%, hóa trị liều cao - ghép tế bào gốc và hoặc phối hợp các tác nhân điều trị mới giúp kéo dài thời gian đáp ứng. Bệnh có thể theo dõi khi không có blast, LDH bình thường, Ki67 < 30%, không có triệu chứng B, IgHV, SOX 11-, không có hạch to. Với MCL tái phát, cần xếp nhóm tiên lượng, thể trạng bệnh nhân, bệnh lý đi kèm để chọn phác đồ điều trị, xem xét các tiêu chuẩn hóa trị lại, phác đồ Retuximab-Bendamustine dung nạp tốt, hiệu quả trên bệnh nhân MCL tái phát, lớn tuổi.
Hi vọng rằng những nội dung chính rút ra từ chương trình sinh hoạt nêu trên sẽ là hành trang tốt cho các BS tham dự, giúp chuẩn hóa kiến thức và kỹ năng thực hành lâm sàng, góp phần chăm sóc điều trị bệnh nhân ngày càng tốt hơn.
Võ Đức Hiếu - Nguyễn Thị Ngọc Yến (BV. Ung Bướu TP. HCM)