XÉT NGHIỆM ĐỘT BIẾN BRCA TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ BUỒNG TRỨNG
XÉT NGHIỆM ĐỘT BIẾN BRCA
TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ BUỒNG TRỨNG
Lý Lệ Uyên, Thái Anh Tú
Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Ung Bướu
Chẩn đoán và điều trị ung thư buồng trứng (UTBT)
UTBT được chẩn đoán bằng giải phẫu bệnh (GPB) với nhiều nhóm mô học như: ung thư biểu mô, ung thư tế bào mầm, bướu tế bào mô đệm-dây sinh dục, bướu di căn đến buồng trứng,… Sau phẫu thuật, các nhóm UTBT có chẩn đoán GPB khác nhau sẽ có phương thức điều trị khác nhau. Trong đó, nhóm ung thư biểu mô thường gặp là ung thư tuyến tiết dịch thanh độ cao được khuyến cáo xét nghiệm di truyền.
Hai gen BRCA1 và BRCA2 nằm tương ứng ở nhiễm sắc thể (NST) 17 và NST 13, thuộc nhóm gen mã hóa protein có chức năng ức chế khối u thông qua quá trình sửa chữa đứt gãy sợi đôi và điều hòa chu trình tế bào. Quá trình này có sự tham gia của poly (ADP-ribose) polymerase (PARP), PARP là một đích nhắm của thuốc ức chế PARP (PARP inhibitor – PARPi) trong điều trị UTBT.
Gen BRCA bị đột biến sẽ ảnh hưởng đến chức năng ức chế khối u, từ đó các tế bào tăng sinh không kiểm soát và phát triển thành khối u. Các đột biến BRCA1 và BRCA2 làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, UTBT ở nữ giới và một số loại ung thư khác.
Tỷ lệ đột biến BRCA1/2 trong UTBT
Có khoảng 25-30% bệnh nhân UTBT có đột biến BRCA. Đột biến BRCA có ở hầu hết các loại mô bệnh học UTBT, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là nhóm ung thư tuyến tiết dịch thanh độ cao.
5-9% Bệnh nhân UTBT có đột biến BRCA mắc phải (sBRCAm)
20% Bệnh nhân UTBT có đột biến BRCA di truyền (gBRCAm) |
Vai trò của đột biến BRCA1/2 trong UTBT
Xét nghiệm đột biến BRCA di truyền/mắc phải giúp lựa chọn liệu pháp điều trị duy trì cho bệnh nhân UTBT. Các bệnh nhân có đột biến BRCA đáp ứng với điều trị nhắm trúng đích với các thuốc PARPi như Olaparib, Niraparib. Ngoài ra, bệnh nhân UTBT có đột biến di truyền BRCA1/2 được điều trị bằng hóa trị có platinum cũng có tỉ lệ đáp ứng thuốc tốt hơn so với nhóm không đột biến.
Xét nghiệm đột biến BRCA di truyền và mắc phải nên được thực hiện ở bệnh nhân ung thư biểu mô buồng trứng ngay tại thời điểm chẩn đoán, đặc biệt là các bệnh nhân ung thư tuyến tiết dịch thanh độ cao đáp ứng điều trị tốt với các thuốc PARPi.
Bệnh phẩm xét nghiệm
- Mẫu máu:
- Chỉ xác định đột biến di truyền.
- Xác định nguy cơ của người thân.
- Có thể xác định đột biến ngay cả khi chưa mắc ung thư.
- Nhược điểm: Không phát hiện đột biến mắc phải.
- Mẫu mô:
- Xác định cả đột biến di truyền và đột biến mắc phải.
- Nhược điểm: Không phân biệt được đột biến di truyền và đột biến mắc phải.
Xét nghiệm BRCA trên bệnh nhân UTBT nên được thực hiện trên mẫu mô, nhằm đảm bảo phát hiện được cả hai loại đột biến di truyền và mắc phải, từ đó giúp lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp. Nếu bệnh nhân có kết quả dương tính, thực hiện lại xét nghiệm trên mẫu máu (với đột biến đã biết) nhằm xác định nguy cơ mang đột biến của người thân.
Các lưu ý khi xét nghiệm đột biến BRCA1/2:
Thuốc PARPi tuy hiệu quả nhưng chi phí còn cao, do đó xét nghiệm đột biến BRCA1/2 nhằm xác định đúng đối tượng bệnh nhân để điều trị là điều rất quan trọng. Vì vậy, để thực hiện xét nghiệm đột biến BRCA1/2 một cách chính xác cần đảm bảo các điều kiện:
- Cơ sở và quy trình xét nghiệm đạt chuẩn;
- Thiết bị và bộ kit xét nghiệm đạt tiêu chuẩn thực hành chẩn đoán (Invitro for Diagnostic – IVD);
- Đăng ký ngoại kiểm;
- Đăng ký cơ quan chủ quản (Sở Y tế).