TIẾP ĐOÀN CÔNG TÁC SỞ Y TẾ THẨM ĐỊNH 2 CÔNG TRÌNH THAM GIA GIẢI THƯỞNG CHẤT LƯỢNG NĂM 2019

Ảnh: PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế thẩm định thực tế hệ thống phần mềm lập kế hoạch xạ trị trúng đích.

 

Vượt qua Vòng 1 sơ tuyển của Giải thưởng Chất lượng Ngành Y tế TP.HCM – Lần thứ 2 – năm 2019 với chuyên đề “Y tế thông minh”, Bệnh viện Ung Bướu có 2 công trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều trị bệnh ung thư được đánh giá điểm cao và bình chọn vào Vòng 2. Đó là công trình “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tiếp cận y học cá thể để điều trị ung thư” và “Ứng dụng phần mềm sử dụng các thuật toán tiên tiến giúp xạ trị trúng đích” tại bệnh viện.

Ảnh: Buổi làm việc

Báo cáo mô tả sản phẩm “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tiếp cận y học cá thể để điều trị ung thư”, BS.CKII. Võ Đức Hiếu, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến cho biết: Đây là phần mềm trí tuệ nhân tạo nổi bật “IBM Watson for Oncology” do tập đoàn IBM của Mỹ xây dựng dựa trên nền tảng dữ liệu lớn về y khoa tiên tiến giúp đem lại hiệu quả điều trị cho người bệnh. Ưu điểm nổi bật của ứng dụng này là đưa ra các khuyến cáo điều trị theo đặc điểm lâm sàng, di truyền học riêng của từng người bệnh dựa trên các chứng cứ khoa học và nguồn dữ liệu lớn về kết quả điều trị của người bệnh ung thư. Vì phần mềm có khả năng cung cấp cho bác sĩ những tài liệu nghiên cứu mới nhất, những chỉ dẫn chi tiết từ các chuyên gia đầu ngành của Mỹ dựa trên cơ sở dữ liệu lớn gồm hơn 100 triệu hồ sơ bệnh án, 30 tỷ hình ảnh, 15 triệu trích dẫn y khoa và hơn 40 triệu tài liệu nghiên cứu khác. Theo đó, hệ thống giúp bác sĩ đưa ra phác đồ tối ưu được cá thể hóa cho từng người bệnh, hỗ trợ điều trị tới 13 loại ung thư phổ biến. Sau thời gian thử nghiệm, Bệnh viện đánh giá tỷ lệ tương đồng giữa phác đồ điều trị của bệnh viện hiện nay và phác đồ của phần mềm đưa ra là 80,3%; trong đó tương đồng về phác đồ điều trị ung thư vú là 71%, ung thư đại trực tràng là 88,1%. Việc ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo “IBM Watson for Oncology” đã giúp cho BV Ung Bướu có thêm một “hội đồng tư vấn chuyên môn” thứ 2 (hội đồng thứ nhất là các chuyên gia lâm sàng của bệnh viện).

Ảnh: Giới thiệu hệ thống phần mềm trí tuệ nhân tạo

Giới thiệu sản phẩm “Ứng dụng phần mềm sử dụng các thuật toán tiên tiến giúp xạ trị trúng đích”, KS. Ngô Trung Nghĩa, Phó khoa Kỹ thuật phóng xạ cho biết: Cùng với đầu tư thiết bị xạ trị hiện đại, Bệnh viện Ung Bướu đã ứng dụng phần mềm trong lập kế hoạch xạ trị (có tên là Eclipse v.13.6) giúp tăng liều xạ chính xác vào mô bệnh, giảm thiểu tối đa liều xạ vào mô lành, hạn chế tối đa sai sót trong quá trình điều trị giúp nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân ung thư. Phần mềm Eclipse v.13.6 sử dụng các thuật toán tiên tiến như  Analytical Anisotropic Algorithm (AAA), Acuros XB, electronic Monte Carlo (eMC) trong việc lập trình giải bài toán ngược (inverse equation) nhằm tính toán, tối ưu hóa liều lượng khi lập kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân ung thư đảm bảo tia xạ vào trúng mô bị ung thư, nhưng không ảnh hưởng lên các cơ quan quí (mô lành nhưng nhạy cảm với tia xạ, ở lân cận khối bướu)… Nghĩa là, đội ngũ xạ trị chỉ cần “nói” cho phần mềm biết bệnh nhân này cần bao nhiêu liều vào khối bướu để triệt căn, hạn chế liều vào từng cơ quan lành là bao nhiêu, độ suy giảm của liều khi ra khỏi khối u… Phần mềm sẽ tự động căn cứ vào yêu cầu, áp dụng các thuật toán tiên tiến PBC, AAA, eMC, Acuros… để cho ra kế hoạch xạ trị tối ưu cho bệnh nhân. Với phần mềm này, các dữ liệu chẩn đoán hình ảnh như CT, MRI, PET-CT được tích hợp và chuyển thành một dữ liệu duy nhất, từ đó giúp bác sĩ xác định chính xác thể tích và vị trí khối u, đưa ra lựa chọn liều xạ trị phù hợp trên từng bệnh nhân, đồng thời giảm thiểu tối đa liều xạ đi vào mô lành. Trước đây, nếu không có phần mềm này bác sỹ phải tiến hành đọc phim CT, MRI, PET-CT bằng tay, đồng thời vẽ bướu trên phần mềm lập kế hoạch cũ, do đó đạt hiệu quả điều trị chưa cao. Đặt biệt, đối với ung thư vú trái, phần mềm giúp lập kế hoạch xạ trị đồng bộ nhịp thở với kỹ thuật DIBH (Deep inspiration breath hold - Hít sâu nín thở). Bệnh nhân sẽ hít sâu, nín thở trong khoảng 10-20 giây, máy sẽ xạ trong lúc này. Ngoài giai đoạn này, máy sẽ ngưng xạ. Do hít sâu, lồng ngực căng, tim và phổi thoát khỏi trường xạ nên việc ảnh hưởng tia xạ lên tim và phổi giảm đáng kể.

Phần mềm cũng hỗ trợ việc đảm bảo và kiểm soát chất lượng của kế hoạch xạ trị. Song song với Eclipse, Aria có thể biết ngày đó một máy xạ được bao nhiêu bệnh nhân, mỗi bệnh nhân xạ lúc mấy giờ, có trục trặc gì không, liều xạ mỗi trường chiếu có nhận đủ hay không…

Áp dụng phần mềm này, bệnh viện Ung bướu đã xạ trị đảm bảo chất lượng điều trị cho hàng ngàn lượt xạ trị với những kỹ thuật cao. Nếu như trước đây, người bệnh bị ung thư vùng đầu cổ phải xạ trị 30-35 lần. Ngày nay, với các trang thiết bị hiện đại, nhất là ứng dụng phần mềm sử dụng thuật toán tiên tiến để lập kế hoạch xạ trị, số lần xạ trị của bệnh nhân rút ngắn lại chỉ còn 5-6 lần.

 

Ảnh:  Giới thiệu sản phẩm “Ứng dụng phần mềm sử dụng các thuật toán tiên tiến giúp xạ trị trúng đích”

 

                    Kỹ thuật

Loại bệnh

3D-CRT

IMRT

VMAT

SBRT-SRS

Phụ khoa

428

2270

632

 

Đầu cổ

506

1893

588

3

Tổng quát

479

1808

426

2

Tổng cộng

1413

5971

1646

5

 

Đây là 2 sản phẩm trong 34 sản phẩm của 21 bệnh viện có số điểm cao nhất được bình chọn vào Vòng 2 của Giải thưởng.

Đánh giá cao và ghi nhận những điểm nổi bật của 2 sản phẩm tại buổi thẩm định, PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng cho rằng: trong thời gian tới, Bệnh viện Ung Bướu cần có ý tưởng và kế hoạch hình thành “Phòng hội chẩn 2 hội đồng chuyên gia” – nghĩa là Hội đồng các chuyên gia của bệnh viện sẽ “cùng làm việc” với hội đồng trí tuệ nhân tạo “IBM Watson for Oncology” để trao đổi, thảo luận và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất cho từng ca bệnh khó, những trường hợp đáp ứng không tốt với phác đồ điều trị của bệnh viện. Điều đáng ghi nhận là Bệnh viện Ung Bướu đã mạnh dạn đầu tư đồng bộ thiết bị xạ trị hiện đại và phần mềm Eclipse v.13.6 nhằm mục đích nâng cao hiệu quả xạ trị trúng đích nhưng tối thiểu hoá ảnh hưởng đến mô lành.

HOTLINE 0916 248 159