LỢI ÍCH ĐẶT BUỒNG TIÊM DƯỚI DA DƯỚI HƯỚNG DẪN SIÊU ÂM
Bệnh nhân Ng.T.T.A., 55 tuổi, chẩn đoán K vú 2 bên T2 N1 M0, đã mổ đoạn nhũ tái tạo tức thì kèm nạo hạch nách 2 bên, có chỉ định vào thuốc hóa chất. Bệnh nhân được đặt buồng tiêm dưới da dưới hướng dẫn siêu âm với đường vào tĩnh mạch cảnh trong. Thời gian phẫu thuật 20 phút và không có biến chứng. Sau 2 giờ phẫu thuật, bệnh nhân được cho về nhà và tiếp tục theo dõi, điều trị ngoại trú.
Ảnh: Dưới hướng dẫn siêu âm, ê-kíp phẫu thuật viên thực hiện kỹ thuật đặt buồng tiêm dưới da cho bệnh nhân
Đây là một trong những trường hợp bệnh nhân điều trị vào thuốc hóa chất, thực hiện đặt buồng tiêm dưới da dưới hướng dẫn siêu âm để dễ dàng vô hóa chất điều trị bệnh và giảm bớt số lần bệnh nhân bị đâm kim vào người khi truyền tĩnh mạch ngoại vi bị xơ chai do hóa chất.
BS.CKII. Phạm Đức Nhật Minh, Phó trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến/bác sĩ Khoa Ngoại 2 cho biết: trước đây, hầu hết bệnh nhân có chỉ định điều trị ung thư bằng hóa chất đều xảy ra tình trạng viêm xơ cứng mạch nếu chính gây hoại tử phần mềm … do các loại thuốc hóa trị gây kích ứng da, mô và tĩnh mạch ngoại vi. Nên việc tiêm truyền vào tĩnh mạch bệnh nhân lúc này lại càng khó khăn hơn. Khi triển khai thực hiện đặt buồng tiêm dưới da cho bệnh nhân, việc tiêm truyền tĩnh mạch bệnh nhân rất dễ dàng, thuận lợi trong thao tác tiêm truyền lẫn lấy máu xét nghiệm, thay vì phải tìm tĩnh mạch đâm kim thì người ta chỉ cần chọc kim vào ngay buồng tiêm dưới da này là có thể tiêm thuốc hoặc lấy máu dễ dàng. Cho đến nay, đây là thủ thuật ngoại khoa thường quy tại các bệnh viện ở nước ngoài, nhất là các nước phát triển.
Sau khi siêu âm đánh giá chọn đường tĩnh mạch phù hợp để đặt buồng tiêm, đảm bảo vô trùng, gây tê tại chỗ, dưới hướng dẫn siêu âm, ê-kíp phẫu thuật đặt ống thông đến tĩnh mạch trung tâm và nối với buồng tiêm rồi vùi buồng tiêm dưới da. Đặt buồng tiêm dưới da thường được chỉ định chủ yếu cho những bệnh nhân cần tiến hành hóa trị liệu.
Kỹ thuật này có nhiều ưu điểm giúp bệnh nhân dễ dàng tiêm truyền tĩnh mạch trung tân lâu dài như truyền hóa chất, kháng sinh, ghép tủy, nuôi dưỡng tĩnh mạch… hoặc cần truyền máu hay xét nghiệm máu thường xuyên. Buồng tiêm có thể chịu được số lần đâm rất lớn từ 1000 – 3600 lần, nhưng cần phải sử dụng loại kim chuyên biệt. Do hệ thống buồng tiêm nằm hoàn toàn dưới da, lúc không cần tiếp cận, không có ống nằm ngoài cơ thể nên rất thuận tiện cho bệnh nhân (có thể tắm bồn), ít nhiễm trùng và đảm bảo thẫm mỹ. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý bảo quản sạch và theo dõi thường xuyên vùng đặt buồng tiêm.
Để đảm bảo an toàn cho hệ thống buồng tiêm, hệ thống buồng tiêm phải được bơm rửa với khoảng 10 – 20 ml nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) ngay sau khi kết thúc sử dụng buồng tiêm và khóa Heparine. Trong trường hợp hệ thống buồng tiêm dưới da không sử dụng, bạn phải đến dịch vụ y tế để được bơm rửa mỗi 4 tuần – BS.CKII. Phạm Đức Nhật Minh hướng dẫn thêm.