CẬP NHẬT NHỮNG TIẾN BỘ TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG: TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN THỰC TIỄN LÂM SÀNG
“Bệnh ung thư đại trực tràng là bệnh có thể phòng ngừa và có hiệu quả điều trị tốt nếu phát hiện sớm bệnh” – TS.BS Đặng Huy Phúc Thịnh, Phó giám đốc bệnh viện Ung bướu TP.HCM phát biểu tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ bệnh nhân chiều 5/7. Buổi sinh hoạt có chuyên đề “Cập nhật những tiến bộ trong điều trị ung thư đại trực tràng: Từ lý thuyết đến thực tiễn lâm sàng”. (ảnh)
Theo Globocan 2012 (Ghi nhận ung thư thế giới), đây là một trong 5 căn bệnh ung thư thường gặp ở cả nam và nữ trên toàn cầu, đứng thứ 3 ở nam giới (so với các loại bệnh ung thư ở nam) và thứ 2 ở nữ giới (so với các loại bệnh ung thư ở nữ). Theo nghiên cứu của bệnh viện Ung Bướu (2006 – 2010), tại TP.HCM, tỷ lệ nam – và nữ mắc bệnh ung thư đại – trực tràng đều đứng hàng thứ 3 trong 10 bệnh ung thư hàng đầu trên thế giới.
Chia sẻ những kiến thức cơ bản về bệnh, GS.BS. Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Giám đốc bệnh viện cho biết: bệnh lý này có 6 nguy cơ dễ mắc bệnh, trong đó nguy cơ dễ mắc bệnh nhất hiện nay là yếu tố môi trường, chế độ, thói quen ăn uống hàng ngày của người dân như ít ăn rau trái củ, ăn nhiều mỡ, thịt, thức ăn nhanh, thực phẩm nướng, nhiều muối… Do đó, người dân cần phải biết cách phòng ngừa, thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh hàng ngày, tăng vận động. Điều quan trọng là nâng cao y thức tầm soát để sớm phát hiện bệnh và hợp tác điều trị với bác sĩ chuyên khoa.
Chủ trì và trao đổi, thảo luận tại buổi sinh hoạt, đội ngũ y bác sĩ chuyên gia của bệnh viện Ung Bướu cũng đã chia sẻ những phương pháp điều trị bệnh lý này hiện nay như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp đa mô thức. Tùy theo từng trường hợp bệnh lý của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ có chỉ định phương pháp phù hợp để tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. Dịp này, người bệnh, thân nhân người bệnh có dịp trao đổi, tìm hiểu kỹ hơn những kiến thức bệnh lý của mình và được sự tư vấn phương pháp điều trị bệnh hiện nay của y bác sĩ chuyên gia bệnh viện. Qua đó, người bệnh hiểu và tuân thủ điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
Kết thúc buổi sinh hoạt, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng cũng khuyến cáo: người dân nên chủ động tầm soát bệnh bằng phương pháp nội soi ruột sớm khi có người nhà đã từng mắc bệnh lý này nặng, nên nội soi định kỳ khoảng từ 3 – 4 năm và những người trên 50 tuổi cũng cần phải quan tâm tầm soát để phát hiện sớm bệnh, sớm điều trị. Khi tầm soát có phát hiện pôlýp ruột già thì cần phẫu thuật cắt tách pôlýp, không nên để lâu dài dễ gân nên bệnh ung thư.
Đây là buổi sinh hoạt định kỳ của bệnh viện nhằm truyền thông, cập nhật thông tin chăm sóc sức khỏe và nâng cao nhận thức về bệnh cho người bệnh, thân nhân người bệnh, cũng như cập nhật kiến thức, kỹ thuật tiến bộ cho đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện.