NHỮNG THÀNH TỰU KỸ THUẬT NỘI KHOA (HÓA TRỊ) VÀ PHÁT TRIỂN LĨNH VỰC CHĂM SÓC GIẢM NHẸ
Trải qua nhiều năm, lĩnh vực điều trị nội khoa (hóa trị) ung thư đã có những thay đổi với những gam màu tươi sáng hơn, đặc biệt là những ung thư có tỉ lệ tử vong hàng đầu như ung thư phổi. Những ngày đầu thành lập bệnh viện, trong tay các bác sĩ nội khoa chỉ là các thuốc gây độc tế bào thế hệ cũ với tỉ lệ đáp ứng thấp nhưng tác dụng phụ nhiều. Trong những thập niên gần đây, việc đưa vào sử dụng các tác nhân độc tế bào thế hệ mới như taxane, vinorelbine, gemcitabine, pemetrexed… đã giúp tăng tỉ lệ đáp ứng cũng như giảm tác dụng phụ của hóa trị.
Tuy nhiên, sự thay đổi chỉ thật sự rõ nét với việc ứng dụng điều trị nhắm trúng đích trên bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) tiến xa có đột biến EGFR nhạy thuốc như đột biến điểm L858R tại Exon 21 hay đột biến mất đoạn tại Exon 19. Các tác nhân nhắm trúng đích như Erlotinib hay Gefitinib dưới dạng thuốc viên đường uống tiện lợi đã giúp kéo dài thêm cơ hội sống còn không bệnh tiến triển ở nhóm bệnh nhân UTPKTBN tiến xa. Không những vậy, việc ứng dụng xét nghiệm đột biến EGFR trong huyết tương đã giúp nhiều bệnh nhân ung thư phổi có cơ hội tiếp cận điều trị nhắm trúng đích khi mẫu mô không đủ làm xét nghiệm hay khi không tiếp cận được các sang thương tái phát, di căn.
Bên cạnh ung thư phổi, nhiều tác nhân nhắm trúng đích khác cũng được ứng dụng vào điều trị các nhóm bệnh ung thư khác nhau, đem lại các kết quả điều trị vượt trội hơn cho bệnh nhân ung thư. Chẳng hạn như: Imatinib trong ung thư biểu mô đệm đường tiêu hóa CD117 dương tính hay trong bệnh bạch cầu tủy mạn với nhiễm sắc thể Philadelphia dương tính. Bevacizumab phối hợp hóa trị trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn, ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư tế bào thận, ung thư buồng trứng, cổ tử cung tiến xa hay tái phát, tiến triển. Sorafenib trong điều trị ung thư gan nguyên phát hay ung thư biểu mô thận tiến xa.
Đặc biệt, việc sử dụng Trastuzumab trong ung thư vú có biểu hiện HER2 dương tính hay Rituximab trong lymphôm không Hodgkin có CD20 dương tính không những giúp kéo dài thêm thời gian sống còn không bệnh mà còn giúp kéo dài sống còn toàn bộ. Điều trị ung thư ngày càng được cá thể hóa hơn với mục đích biến ung thư trở thành một căn bệnh mạn tính có thể kiểm soát được. Gần đây, sản phẩm Rituximab dưới dạng tiêm dưới da đã được đưa vào sử dụng với hiệu quả tương đương sản phẩm truyền tĩnh mạch đã rút ngắn thời gian truyền hóa chất cũng như đem lại sự thoải mái và thuận tiện hơn cho bệnh nhân.
Trong những năm gần đây, bệnh viện Ung Bướu còn tham gia vào các nghiên cứu đa trung tâm, đa quốc gia về vú, đại trực tràng, gan, phổi,… Trong đó, đáng chú ý có nghiên cứu về tương đương sinh học với Trastuzumab đã được báo cáo tại ASCO 2017 và đã được nghiệm thu kết thúc nghiên cứu về “nghiên cứu pha III đa trung tâm, mù đôi, nhóm song song”. Nghiên cứu này nhằm so sánh hiệu quả, tính an toàn, dược động học, khả năng sinh miễn dịch giữa SB3 (sản phẩm dự kiến sinh học tương tự với Trastuzumab) và Herceptin trong điều trị tân hỗ trợ cho các phụ nữ mới được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn sớm hoặc tiến triển tại chỗ có HER2 dương tính.
Hiện bệnh viện đang tiến hành tham gia nhiều nghiên cứu đa trung tâm đa quốc gia, trong đó đáng chú ý có nghiên cứu ADAURA trên bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm nhằm đánh giá hiệu quả của Osimertinib trong điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật với nhiều kết quả hứa hẹn.
Luôn là một trung tâm về Ung thư hàng đầu của cả nước, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đã đưa vào ứng dụng “Liệu pháp miễn dịch” và điều trị trên các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ với các ca lâm sàng, đồng thời tham gia vào nghiên cứu đa trung tâm đa quốc gia pha III KEYNOTE-024. Việc sử dụng Pembrolizumab cho thấy tăng hiệu quả kể cả về sống còn không bệnh tiến triển cũng như sống còn toàn bộ so với hóa trị bộ đôi tiêu chuẩn. Điều mà liệu pháp trị liệu nhắm trúng đích trước đó không đạt được.
Ngoài ra, Bệnh viện còn triển khai ứng dụng xét nghiệm NUDT 15/máu trên các bệnh nhi Bạch cầu lymphô cấp, Bạch cầu tủy cấp, Lymphôm không Hodgkin, Bệnh mô bào có sử dụng Mercaptourine nhằm điều chỉnh liều thuốc phù hợp cũng như đánh giá tình trạng tái phát. Sử dụng kỹ thuật hóa mô miễn dịch với 4 dấu ấn MLH1, PMS2, MSH2, MSH6 nhằm đánh giá nguy cơ ung thư đại trực tràng giai đoạn II để chỉ định hóa trị thích hợp.
Để cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư và gia đình người bệnh, mô hình “Chăm sóc giảm nhẹ tại nhà” được triển khai cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến xa tại TP.HCM trong bán kính 15 km từ bệnh viện Ung Bướu. Công tác chăm sóc giảm nhẹ tại nhà đã tạo điều kiện cho bệnh nhân có khả năng tiếp cận những chăm sóc cuối đời, giảm nhẹ triệu chứng ngay tại nhà nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối với người bệnh và gia đình người bệnh, đa số các bệnh nhân chăm sóc tại nhà là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối không còn khả năng điều trị đặc hiệu với mong muốn được giảm đau và giảm nhẹ các triệu chứng cuối đời. Vì vậy, việc điều trị tại nhà sẽ phù hợp nhu cầu cũng như mong muốn của bệnh nhân. Đồng thời việc điều trị tại nhà cũng làm giảm chi phí điều trị nội trú, giảm chi phí đi lại, tiết kiệm được thời gian công sức của người chăm sóc tại bệnh viện, giảm nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ngoài ra, với văn hóa Á Đông, đa số nguyện vọng của bệnh nhân Việt Nam là muốn mất tại nhà trong môi trường thân thuộc. Đối với hệ thống y tế, công tác chăm sóc giảm nhẹ giúp giảm áp lực quá tải số lượng bệnh nhân nội trú, giảm các can thiệp không cần thiết, từ đó giảm lãng phí chi phí bảo hiểm y tế cho việc chăm sóc một bệnh nhân ung thư nặng, cận tử.
(Hình chụp đã có sự cho phép của bệnh nhân)
Hoạt động chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân tại nhà